Trị vì Trần_Thánh_Tông

Ngày 24 tháng 2 niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (tức ngày 30 tháng 3 năm 1258), Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng và lui về Bắc cung làm Thái thượng hoàng. Mục đích của Thái Tông là để Trần Hoàng làm quen với việc nước, đồng thời tránh xung đột tranh ngôi giữa các hoàng tử.[13] Sử quan Nhà Lê Ngô Sĩ Liên nhận xét:[17]

Từ khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, anh chết em thay, đã thành phép thường mãi mãi.

Gia pháp họ Trần lại khác thế: con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì Hoàng thái tử cả. Như vậy thì có hợp đạo không?

Có lẽ là lấy nghĩa quẻ Càn lui ở phương tây bắc và quẻ Chấn tiến ra phương đông. Nhưng chưa đến lúc già nua thì không được lười mỏi. Sao bằng cứ truyền nối như Tam Vương để đúng lẽ thủy chung là hơn cả. Mạnh Tử nói: "Theo phép của Tiên Vương mà lỗi lầm thì chưa bao giờ có thế".

—  Đại Việt Sử ký Toàn thư - Kỷ Nhà Trần - Thái Tông Hoàng đế

Thái tử lên ngôi Hoàng đế, xưng làm Nhân Hoàng (仁皇) và được bầy tôi tặng tôn hiệu Hiến Thiên Thể Đạo Đại Minh Quang Hiếu Hoàng Đế (憲天體道大明光孝皇帝). Sử sách gọi ông là Trần Thánh Tông (陳聖宗). Tháng 8 âm lịch năm 1258, Hoàng đế lập con gái thứ năm của cố An Sinh vương Trần Liễu (anh Trần Thái Tông) làm Thiên Cảm Phu nhân, ít lâu sau phong bà làm Thiên Cảm Hoàng hậu.[19][12]

Trong 21 năm trị quốc, Trần Thánh Tông dùng niên hiệu Thiệu Long (紹隆) từ năm 1258 đến 1273Bảo Phù (寶符) từ năm 1273 đến 1278.[21][13] Ông đã ban hành nhiều chính sách về hành chính, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, ngoại giao nhằm củng cố thực lực của Đại Việt[22]. Ông còn nổi tiếng là một hoàng đế đức độ, hòa ái đối với mọi người từ trong ra ngoài.[22] Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư kể ông thường nói với các tôn thất rằng:[23]

Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tông, người nối cơ nghiệp tổ tông nên cùng anh em trong tôn thất cùng hưởng phú quý. Dầu rằng cả thiên hạ cùng phụng thờ một người đó là sự tôn kính điển thường theo về danh phận, nhưng anh em là xương thịt rất thân, gặp lúc lo thì cùng lo, gặp lúc vui thì cùng vui. Trẫm với các khanh, nói về tình thân cũng như thân thể một người không thể chia cắt được. Các khanh nên đem lời nói này của trẫm truyền bá cho.

— Trần Thánh Tông

Sau mỗi buổi thiết triều, Hoàng đế cho phép các vương hầu, tôn thất vào nội cung ăn uống nô đùa mà không phân tôn ti trật tự. Các hoàng thân trong nội điện thường ăn chung một cỗ và cùng ngủ chung một giường, một chăn với nhau, chỉ lúc nào có việc công, hay buổi chầu, thì mới phân thứ tự theo lẽ phép.[23][13]

Đối nội

Về hành chính, tháng 2 âm lịch năm 1262, Trần Thánh Tông nâng cấp hương Tức Mặc – đất phát tích của Hoàng triều – thành phủ Thiên Trường. Ông cho lập cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa và chùa Phổ Minh ở hướng tây cung Trùng Quang. Cung Trùng Quang được chọn làm nơi Thượng hoàng ở, còn cung Trùng Hoa là nơi Hoàng đế trú khi về thăm Thượng hoàng. Vua Thánh Tông còn đặt ra chức quan lưu thủ cai quản phủ Thiên Trường.[24][25]

Tháng 3 âm lịch năm 1265, Trần Thánh Tông đổi tên Ty Bình bạc (cơ quan quản lý hành chính ở kinh đô Thăng Long) thành Đại An phủ sứ. Nhà vua tuyển chọn quan Đại An phủ sứ theo một quy trình nghiêm ngặt, được Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại như sau: "Theo chế độ trước, An phủ sứ qua trị nhậm các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư".[26][27]

Tháng 3 âm lịch năm 1267, Trần Thánh Tông ban hành hệ thống "kim chi ngọc diệp" quy định việc phong ấm cho con cháu vương hầu, công chúa: theo đó, cháu 3 đời của vương hầu, công chúa sẽ được nhận tước hầu hoặc quận vương, cháu 4 đời tước minh tự, cháu 5 đời tước thượng phẩm, chi tiết tước phong tùy thuộc vào hạng trong "ngũ phục", tức 5 hạng tang phục dựa trên quan hệ huyết thống.[26]

Tháng 4 âm lịch năm 1267, vua Trần Thánh Tông lập ra các chức Hàn lâm viện Học sĩ (chức quan giám sát việc biên soạn các văn bản chiếu lệnh, sắc dụ của vua) và Trung thư sảnh Trung thư lệnh (cố vấn cho hoàng đế về triều chính).[28] Ông chọn hai văn thần Nho học là Đặng Kế làm Hàn lâm viện Học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh. Theo sĩ phu đời Nguyễn Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, buổi đầu thời Trần, triều đình chỉ dùng các hoạn quan như Phạm Ứng Mộng, Lê Tông Giáo,... làm chức Hành khiển, chứ không hề dùng Nho sĩ. Cho nên việc vua Thánh Tông dùng Đỗ Quốc Tá là dấu hiệu giới Nho gia bắt đầu có ảnh hưởng mạnh vào bộ máy nhà nước.[29][30][31]

Cũng trong năm 1267, Trần Thánh Tông chia cơ quan Hành khiển làm hai ty (đều đặt tại kinh sư), gồm Hành khiển tả hữu ty trong cung Thánh Từ (cung riêng của Thượng hoàng) và Hành khiển ty trong cung Quan Triều (nơi ở riêng của Hoàng đế). Cả hai ty được gọi chung là Nội mật viện.[32] Tháng 11 âm lịch năm 1273, Hoàng đế Thánh Tông lại đặt chức Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính (chuyên lo việc tôn thất), giao cho Nhân Túc vương Toản nắm chức này. Cuối năm 1274, nhà vua đặt thêm các chức Trừ cung giáo thụ (chức quan dạy học cho Thái tử) và Nhập thị học sĩ.[33][28]

Trần Thánh Tông còn chú trọng đến giáo dục và khoa cử. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận rằng vào tháng 10 âm lịch năm 1272, hoàng đế đã "xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám" (tức Hiệu trưởng trường Quốc tử giám).[33] Ngoài ra, Trần Thánh Tông khuyến khích em là Chiêu Quốc vương Ích Tắc (một người nổi tiếng học giỏi, biết nhiều) mở trường dạy học văn sĩ.[29][13] Theo sử cũ, trường này đã đào tạo được nhiều người có ích cho đất nước, tiêu biểu là Mạc Đĩnh ChiTrạng nguyên khoa thi năm 1304 đời Trần Anh Tông.[29][31][13]

Vua Thánh Tông đã hai lần mở khoa thi Thái học sinh để chọn người tài giúp nước. Khoa thi thứ nhất (tháng 3 âm lịch năm 1266) lấy được 50 người trúng tuyển, gồm Trần Cố đậu Kinh Trạng nguyên (người ở các vùng từ Ninh Bình trở ra), Bạch Liêu đậu Trại Trạng nguyên (Trạng nguyên ở hai châu Hoan, Ái), một người họ Nghiêm không rõ tên đậu Bảng nhãn, Hạ Nghi đậu Thám hoa lang và 47 tiến sĩ.[26] Đến khoa thi thứ hai (tháng 3 âm lịch năm 1275), các chức danh Kinh và Trại Trạng nguyên đã được hợp lại làm một. Kỳ thi này lấy được 3 người đỗ Tam khôi (Trạng nguyên Đào Tiêu, Thám hoa lang Quách Nhẫn, những bộ sử hiện có không nêu được tên Bảng nhãn) và 27 Thái học sinh xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau.[33][34] Thánh Tông cũng tổ chức thi lại viên với 2 môn toán và viết để tuyển dụng thư lại phụ việc cho các cơ quan tế tự, thái y và hành chính thái y.[35]

Trần Thánh Tông còn cho Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu tiếp tục biên soạn sách Đại Việt sử ký. Lê Văn Hưu đã làm được bộ sử sách gồm 30 quyển, chép từ đời Triệu Vũ vương đến Lý Chiêu Hoàng. Việc biên tập bộ sử này được khởi đầu từ đời vua Thái Tông, đến năm Nhâm Thân (1272) đời Thánh Tông mới xong.[36][37][13]

Về kinh tế, Trần Thánh Tông tiếp tục chủ trương trọng nông. Tháng 10 âm lịch năm 1266, ông cho phép vương hầu, cung phi, phò mã họp các dân nghèo để khẩn hoang, nhằm mở rộng diện tích canh tác. Kể từ đây, vương hầu bắt đầu sở hữu điền trang.[26][13][38]

Nhà vua cũng quan tâm đến việc nâng cao thực lực quốc phòng của Đại Việt.[39][13] Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại rằng đầu năm 1261, Thánh Tông vừa lên ngôi đã ra lệnh "chọn đinh tráng các lộ làm lính, còn thì sung làm sắc dịch các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong các phủ, lộ, huyện".[40][35] Đến tháng 3 âm lịch năm 1262, ông xuống chiếu dụ quan quân chế tạo khí giới và đúc chiến thuyền; đồng thời, ông tổ chức tập trận cho lục quânthủy quân tại chín bãi phù sa dọc theo sông Bạch Hạc (nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ).[24] Sau đó, tháng 8 âm lịch năm 1267, Trần Thánh Tông chia quân đội làm nhiều "quân", mỗi quân được hợp thành từ 30 "đô" (một đô gồm 80 lính).[29] Ông còn chọn những tướng lĩnh tài ba như Lê Phụ Trần làm Thủy quân Đại tướng quân (1259) và Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải – em ruột hoàng đế – làm Thái úy (1262), rồi Tướng quốc Thái úy (1271).[41][40][42] Ngoài ra, vào tháng 9 âm lịch năm 1262, nhà vua truyền lệnh xem xét tình trạng của tù nhân. Phần lớn tội phạm đều được ân xá, riêng những người đã đầu hàng quân Mông Cổ trong cuộc chiến tranh năm 1258 thì bị trừng trị thẳng tay.[39]

Mùa xuân năm 1277, người Man, Lào nổi dậy ở động Nẫm Bà La (phủ Bố Chính - nay là Quảng Bình). Hoàng đế Trần Thánh Tông cùng Thái úy Trần Quang Khải đích thân đi đánh dẹp, bắt được 1000 người về kinh sư.[43][34][44]

Đối ngoại

Quan hệ với Nam Tống và Chiêm Thành

Các năm 1258, 1261, Trần Thánh Tông sai sứ sang cống nạp và báo việc lên ngôi cho Nam Tống. Năm 1262, ông được Tống Lý Tông phong làm An Nam quốc vương.[10][45][46] Theo Tống sử, Lý Tông bản kỷ ghi chép thì toàn bộ tước hiệu của Trần Thánh Tông được nhà Tống phong là: Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí sứ, Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, An Nam Quốc vương hiệu Trung thuận hóa công thần. Sau đó Thượng hoàng Trần Thái Tông, Hoàng đế Trần Thánh Tông vẫn giao hảo với Nam Tống dù Nhà Tống đã suy yếu trước sự uy hiếp của Mông Cổ.[47][48] Chính vì vậy, năm 1268 sứ giả Trương Đình Trân đã đe dọa hai vua:

"Nhà vua vẫn hòa mục với Tống, tưởng được cứu viện lúc gấp, nay trăm vạn quân đang vây kín Tương Dương, chim bay cũng không có lối, chỉ sớm tối hạ thành, dồn quân qua sông lật đổ kinh thành nước ấy dễ như bẻ cành khô, thế mà nhà vua còn dựa vào nơi bờ để, cậy là môi với răng, tự tôn tự đại. Nếu tâu lên Hoàng đế [Hốt Tất Liệt] oai trời khẽ động... sẽ biến Vương miếu thành gò hoang, Vương đình thành bãi cỏ chẳng khó khăn gì...".[49]

Để giữ tình bang giao với Đại Việt, khi Thánh Tông sai sứ mang đồ cống sang, vua quan Nhà Tống cũng tặng lại các sản vật của Trung Quốc như chè, đồ sứ, lụa; không những gửi cho hai vua Trần mà còn tặng cả sứ giả. Việc duy trì quan hệ với Nam Tống ngoài ý nghĩa giao hảo nước lớn còn nhằm mục đích nắm tình hình phương bắc.[10][50][48]

Sau này Nam Tống bị Nhà Nguyên đánh bại, phải rút vào nơi hiểm yếu, từ đó mới không còn qua lại với Đại Việt. Nhà Tống mất, nhiều quan lại,[51], binh sĩ,[52] đạo sĩ[53] Tống không thần phục người Mông đã sang xin nương nhờ Đại Việt. Trong số họ có những người như Trần Trọng Vy, Tăng Uyên Tử, Triệu Trung,… đã được vua Thánh Tông và các thân vương đối đãi trọng hậu.[51][52] Sử sách còn ghi, tháng 10 âm lịch năm 1274, nhiều thương gia người Tống từ Giang Nam vượt biển sang Đại Việt, đem theo gia quyến và nhiều của cải. Vua Thánh Tông cho họ lập nghiệp ở phường Nhai Tuân (Thăng Long); tại đây họ đã mở chợ bán các mặt hàng như vải lụa, thuốc men.[33]

Ở phía Nam, quan hệ Đại ViệtChiêm Thành cũng diễn biến tích cực trong thời trị vì của Trần Thánh Tông. Khi Nhà Trần mới thành lập, Chiêm Thành từng đưa quân sang quấy nhiễu biên giới, nhưng sau khi bị Trần Thái Tông đánh bại năm 1252, họ đã chính thức thần phục Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận trong những năm Thánh Tông làm vua, Chiêm Thành đã 6 lần cử sứ sang dâng cống vật (1262, 1265, 1266, 1267, 1269, 1270).[27] Xu hướng quan hệ tốt đẹp này được duy trì sau năm 1278, khi Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho Trần Nhân Tông và lên làm Thái thượng hoàng.[8]

Quan hệ với Nguyên Mông

Người Mông Cổ tuy đã thất bại trong cuộc chiến năm 1258 nhưng vẫn chưa bỏ mộng thôn tính Đại Việt[13]. Tuy nhiên Mông Cổ đang phải dồn sức chinh phục Nam Tống và đánh dẹp một cuộc nổi dậy ở phía Bắc, nên họ tạm thời giữ hòa bình với Đại Việt. Ba năm sau khi Trần Thánh Tông lên ngôi (1260), vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, Lễ bộ viên ngoại lang Lý Văn Tuấn mang chiếu chỉ sang Đại Việt, cho phép người nước Nam được duy trì mọi phong tục và lễ nghi truyền thống của mình, không cần phải thay đổi.[54] Hốt Tất Liệt còn tuyên bố: "Ta đã răn các tướng ở biên cương không được tự ý dấy binh, xâm phạm biên cảnh của ngươi, làm rối loạn cho nhân dân ngươi. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy yên ổn làm ăn như cũ". Sau này, các vua Trần thường trích dẫn tờ chiếu này để bác bỏ các lý lẽ của người Mông khi họ đòi Đại Việt phải thay đổi nghi thức tiếp sứ (1271), cho Thoát Hoan mượn đường đánh Chiêm Thành (1284),...[6]

Năm 1261, Trần Thánh Tông được vua Mông Cổ phong làm An Nam Quốc vương.[55][56] Đến năm 1262, Mông Cổ yêu cầu ông phải cống nạp 3 năm 1 lần, mỗi lần đều phải cống nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói và thợ thuyền mỗi hạng ba người, cùng với các sản vật như là sừng tê, ngà voi, đồi mồi, châu báu… Trong suốt thời gian trị vì của mình, Trần Thánh Tông duy trì đều đặn việc cống sản vật, nhưng chỉ để lấy lệ (vì thế năm 1275, Hốt Tất Liệt có gửi chiếu thư trách vua Trần rằng "các đồ cống đều không dùng được"), và không bao giờ chịu cống người.[6][54][13]

Cũng trong năm 1262, vua Mông Cổ sai Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) sang làm Darughachi (Đạt-lỗ-hoa-xích), đi lại giám trị các châu quận Đại Việt. Mục đích của Mông Cổ là can thiệp chính trị, tìm hiểu nhân vật, tài sản Đại Việt để liệu đường mà đánh chiếm. Hai vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông bề ngoài chịu thần phục, nhưng bên trong dốc sức mở rộng và huấn luyện quân đội. Năm 1263, hai vua cử Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đi tuần biên giới Lạng Sơn.[24][13][57] Hai vua cũng tạo nhiều khó khăn, cản trợ cho công việc của Nur-ud Din. Một trong những biện pháp đó là cấm dân cư tiếp xúc với các thương gia người Hồi, vốn thực chất là nội gián của Nur-ud Din trà trộn vào xã hội Đại Việt.[6] Chiếu thư của vua Mông Cổ gửi Trần Thánh Tông năm 1267 có đoạn: "Nay nghe Nur-ud Din ở bên ấy, có nhiều sự thường bị chống báng cấm đoán, không cho được hội đàm, quả như thế thì có phải lễ nghĩa thân mật trong một nhà đâu! Nghĩa vua tôi cũng như tình phụ tử, có lẽ gì tôi mà phản vua, con mà phản lại cha sao? Nếu trẫm không nói ra, thì đãi khanh không có sự thành thật, khanh nên nghĩ lại cho chín chắn để tròn sự giao hảo trước sau như một".[56]

Tháng 4 năm 1263, Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) trở về phương Bắc.[6] Đến năm 1266, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông cử Dương An Dưỡng, Võ Hoàn đi cống nạp sản vật cho Mông Cổ. Thông qua sứ bộ này, hai vua cũng thuyết phục Mông Cổ cho Nur-ud Din tiếp tục làm Darughachi ở Đại Việt. Điều này cho thấy Thánh Tông đã làm Nur-ud Din không còn tác dụng trong việc ép Đại Việt thần phục người Mông Cổ. Mông Cổ sợ Nur-ud-Din "thông tình" với Nhà Trần, nên không chấp nhận.[6][58][59]

Năm 1267, Hốt Tất Liệt vin vào "thánh chế" của Thành Cát Tư Hãn, xuống chiếu đòi hai vua Trần phải làm 6 việc:

  1. Đích thân tới chầu,
  2. Nộp sổ sách dân số,
  3. Thu thuế khóa,
  4. Gửi người tôn thất làm con tin,
  5. Chi viện quân cho tỉnh Vân Nam,
  6. Tiếp tục chịu sự kiểm soát của các Darughachi.

Cả sáu điều này Trần Thánh Tông đều không thực hiện, trừ những lúc phải miễn cưỡng chấp nhận Darughachi do Mông Cổ sai tới.[60][6] Ông viện cớ: "có kẻ thù là nước Chiêm Thành quấy rối nên không thể trợ binh [cho Mông Cổ]" dù rằng Chiêm Thành đang thần phục và thường triều cống Đại Việt.[61]

Cuối năm 1268, Hốt Tất Liệt sai Qurung Qaya (Hốt Lung Hải Nha) sang làm Darugachi, cùng phó sứ Trương Đình Trân (người Hán) trách Trần Thánh Tông cống nạp trễ nải, lại bắt ông cống nạp voi và thương gia người Hồi (thực ra là tình báo của Mông Cổ ở Đại Việt). Vào Thăng Long, Trương Đình Trân yêu cầu Trần Thánh Tông lạy trước chiếu thư của Hốt Tất Liệt và đối đãi với Đình Trân như một vương tước ngang hàng, song vua Trần thẳng thừng bác bỏ: "Thánh thiên tử thương tôi nhưng sứ giả đến nhiều người vô lễ. Ông là quan triều liệt, còn tôi là vua, mà cùng ngang lễ với nhau, tự cổ chí kim có điều đó không?". Theo Nguyên sử, Thánh Tông còn sai thị vệ rút gươm bao vây Trương Đình Trân, rồi giam lỏng vào một nơi và cấm sử dụng nước giếng của kinh thành, chỉ cho uống nước đục của sông. Trương Đình Trân đành phải nhượng bộ.[62][63][64] Với các yêu sách của hai sứ Mông Cổ, vua Thánh Tông cũng khước từ, viện cớ rằng "nhà buôn Hồi Hột tên là Y Ôn đã chết từ lâu; một ngư­­ời khác là Bà Bà, khi tìm cũng đã ốm chết" và "...loại thú này thân mình rất lớn, đi lại chậm chạp, không như­­ ngựa của thư­­ợng quốc. Xin đợi sắc chỉ, đến lần cống sau sẽ tiến dâng."[6]

Năm 1271, Hốt Tất Liệt lập ra Nhà NguyênTrung Quốc. Hoàng đế Nhà Nguyên sai sứ đưa chiếu thư dụ Trần Thánh Tông đến chầu, nhưng ông viện cớ bệnh mà thoái thác.[10] Trung thư sảnh Nhà Nguyên cũng gửi công văn trách Thánh Tông vì không đối đãi các sứ Nguyên như một quan chức ngang hàng với mình, và không chịu quỳ khi nghe chiếu của vua Nguyên.[65] Thánh Tông khước từ với lý do "bản quốc vâng mệnh thiên triều đã phong cho tư­ớc vư­­ơng, lẽ nào không phải là người mang vương tước? Vậy mà sứ giả phụng mệnh thiên triều cũng xư­­ng là người mang tước vương, cùng ngang lễ với bản quốc, e rằng như thế là nhục đến triều đình. Huống hồ nước tôi vâng theo chiếu chỉ trư­­ớc đây, cho đ­­ược giữ nguyên tục cũ, nên hễ nhận chiếu lệnh thì phụng mệnh đặt yên tại chính điện rồi lui về nhà riêng. Đó vốn là điển lễ cũ của bản quốc".[6] Đến năm 1273, các sứ Nguyên đi Đại Việt về vẫn báo Hốt Tất Liệt rằng Trần Thánh Tông khi nhận chiếu vua Nguyên thì "chỉ đứng chắp tay chứ không lạy, tiếp kiến sứ giả hoặc yến tiệc thì đều ngồi trên sứ giả".[66]

Cùng năm 1271, Hốt Tất Liệt lại đòi Trần Thánh Tông cống voi, nho sĩ, lang y, thợ giỏi. Ông viết thư đáp: "Về lời dụ mới rồi nói việc tìm voi, do sợ trái chiếu chỉ trước, nên loanh quanh chư­­a dám nói thẳng. Thực ra, duyên do là vì quản tượng không nỡ xa nhà, nên khó sai họ khởi hành", và tiếp tục phớt lờ việc cống người giỏi.[67][6]

Năm 1272, vua Nguyên cho Uriyang đi sứ, lấy cớ tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng vua Thánh Tông sai quan sang nói rằng: cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết đâu mà tìm nữa. Uriyang bèn thôi không hỏi nữa.[68] Năm 1275, Hốt Tất Liệt lại ra chiếu dụ vua Trần sang chầu, làm 6 điều theo "thánh chế" của Mông Cổ. Thánh Tông không chịu, liền sai sứ sang nói với vua Nguyên rằng: "...Darugachi chỉ nên đặt ở các vùng man di ngoài biên giới, còn tôi đã được phong vương, làm phên giậu một phương mà còn đặt Darugachi để giám sát, há không bị các nước chư hầu cười cho hay sao. Sợ giám sát mà nộp công sao bằng trong lòng vui phục mà nộp công!.. Tất cả quan lại thiên triều sai đến, xin đổi làm dẫn tiến sứ để tránh được cái tệ Darugachi...".[69][13][6]

Hốt Tất Liệt không cho, và bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đánh chiếm Đại Việt. Các quan biên giới của Nguyên được lệnh do thám địa thế Đại Việt.[13] Trần Thánh Tông cũng thăm dò tình hình phương Bắc, thông qua việc cử Lê Khắc Phục, Lê Văn Túy đi sứ; sai Đào Thế Long sang Long Châu giả vờ mua thuốc; và cho thủy quân lộ Đông Hải đi tuần dọc theo biên giới.[26][70][58][6] Sau khi Nhà Nguyên diệt Nam Tống (1279), Đại Việt càng đứng trước nguy cơ bị xâm lăng từ đế quốc khổng lồ này.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trần_Thánh_Tông http://www.bodephatquoc.com/vua-tran-nhan-tong-va-... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/602237 http://hoavouu.com/images/file/WLyZhmAx0QgQAORd/th... http://www.scribd.com/doc/13131929/Vit-S-Toan-Th-P... http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-o... http://thuvienhoasen.org/a20883/tran-thanh-tong-mo... http://thuvienhoasen.org/p59a12910/phan-i-nghien-c... http://thuvienhoasen.org/p59a12912/phan-i-nghien-c... http://www.worldcat.org/title/anh-hung-dan-toc-thi... http://www.hungsuviet.us/lichsu/MhivanTranLieu.htm...